Du học chưa bao giờ là điều đơn giản, nhưng lại có câu “Cuộc đời bạn sẽ như thế nào, tùy thuộc vào thái độ của bạn”, chính vì thế khi đi du học cần có nhiều hơn thái độ tích cực, chăm chỉ nơi đất khách quê người. Hôm nay cùng BGC tìm hiểu những kinh nghiệm khi đi du học Phần Lan, giúp các bạn phần nào tưởng tượng được cuộc sống và học tập xứ người như thế nào.
1.Đã có thể nhập học nhiều kì hơn trong năm
Một năm học ở trường Đại Học Phần Lan thông thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 5 hằng năm. Tuy nhiên, chính sách thu học phí mới đây đã cho phép hệ thống tuyển sinh linh hoạt, nhiều trường đại học tổ chức kì tuyển sinh mùa thu (từ tháng 9) và mùa xuân (từ tháng 1).
Đối với sinh viên sang vào kì mùa thu sẽ có 4 kì học và năm học kết thúc như thường lệ vào tháng 5. Trong khi sinh viên mới sang vào mùa xuân thì có 2 kì và cũng kết thúc vào tháng 5 trong năm học đầu tiên. Đến năm thứ 2 trở đi, sinh viên đều bắt đầu niên học từ tháng 9-tháng 5. Theo đó trường học ở Phần Lan có 4 kì nghỉ lễ hằng năm: Nghỉ thu (1 tuần giữa tháng 10), nghỉ đông (2 tuần vào cuối tháng 12), nghỉ xuân (1 tuần cuối tháng 2) và nghỉ hè.
2.Đăng kí môn học: nên thông thái trong việc chọn môn & kiên trì theo đến cùng
Bạn sẽ được đăng kí môn học theo thời khóa biểu (PSP – Personal Study Plan) được nhà trường gợi ý khi mới bắt đầu kỳ học. Có những môn học kéo dài 1 kì (ví dụ: từ tháng 9 đến giữa tháng 10) hoặc có những môn kéo dài đến 2 kì (vd: tháng 1 đến tháng 5). Trong phần mô tả từng môn, dựa vào giờ tương tác trên lớp học mà tín chỉ mỗi môn sẽ khác nhau – từ 1 ECTS đến 6 ECTS, cũng như môn học bắt buộc (compulsory) hay tự chọn (optional).
Quan trọng là hãy cố gắng theo được thời khóa biểu mà trường gợi ý, bởi vì có những khóa học không lặp lại theo kì mà theo năm và không có thời gian chính xác. Việc bỏ qua quá nhiều môn đáng lẽ phải học sẽ gây ra việc chậm trễ, thiếu tín chỉ, ảnh hưởng đến việc gia hạn giấy phép cư trú năm tiếp theo và cả quá trình học sau này.
3.“Bạn đã đọc bài báo đó chưa?”
Có thể bạn không biết nhưng giáo dục Phần Lan theo hình thức tín chỉ, tức học chỉ một phần trên lớp và bạn sẽ phải đọc, học và tự học rất nhiều. Hơn nữa trong mỗi bài giảng, các giáo sư không chỉ giới thiệu sách cho các bạn đọc mà còn có cả báo nữa đó, đặc biệt mỗi bài giảng sẽ có từ 2 -5 bài báo như vậy, cho nên nếu không chịu đọc trước thì nhất định không hiểu gì. Chính vì thế câu hỏi “Bạn đã đọc bài báo đó chưa?”
Hơn nữa, ngôn ngữ trong báo và sách không phải là ngôn ngữ giao tiếp thông thường, nó mang tính học thuật rất cao, cho nên cần hết sức cẩn thận và chăm chú nếu không muốn bị hiểu sai nhé. Đặc biệt phải tra từ điển hoặc hỏi bạn bè nhé!
4.Làm việc nhóm là một phần không thể thiếu!
Đúng vậy, làm việc nhóm là một phần không thể thiếu trong việc học đại học ở Phần Lan. Hầu như môn nào (kể cả ngoại ngữ) cũng yêu cầu làm việc theo nhóm. Vì thế, phương thức tính điểm thông thường sẽ là 50% điểm thi và 50% assignment (nhóm và cá nhân). Một nhóm có từ 3-5 người và mỗi người đến từ một quốc gia khác nhau để đảm bảo sự đa dạng văn hóa và rèn giũa cho sinh viên kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế sau này.
Tùy theo các môn về kinh tế, chiến lược, marketing, hay dầu khí… các nhóm còn có cơ hội làm case study (phương pháp tình huống) với các công ty liên quan có liên kết với nhà trường, ví dụ như lên chiến lược marketing, nghiên cứu hoạch định chính sách thu hút nguồn lực, hay làm báo cáo sau một chuyến tham quan về công ty… Đây là những cơ hội rất tốt để sinh viên va chạm với môi trường thực tế, có cái nhìn cụ thể cách một công ty tổ chức và làm việc.
5.Viết báo cáo là cả một quá trình rèn luyện!
Viết báo cáo thì chẳng lạ lùng gì với sinh viên Việt Nam, nhưng thường xuyên như ở Phần Lan thì cần phải được chú ý nhé. Khi viết báo cáo, cần chú ý đến đề tài, tài liệu để tóm tắt, lẫn hướng dẫn cách viết, cách diễn giải (paraphrase), chọn từ vựng và ngữ pháp. Giảng viên khá khắt khe trong câu chữ và cách trình bày, và mỗi bài tập cô giao đều được yêu cầu phải theo một định dạng nhất định (font chữ, cách dòng, canh lề).
6.Không khoan nhượng với đạo nhái và gian lận
Đạo văn và gian lận là hai điều vô cùng cấm kị trong giáo dục Phần Lan. Trường đại học nào cũng sử dụng một phần mềm kiểm tra đạo văn (plagiarism) – sinh viên viết luận hay báo cáo xong đều được yêu cầu tải nên phần mềm để kiểm tra trước khi chấm điểm. Mỗi giáo viên sẽ có giới hạn riêng, phần trăm giống các tài liệu càng cao thì điểm càng thấp và > 50% thì bài viết đó có thể bị liệt.
Gian lận là điều không khoan nhượng ở môi trường học đường nước này. Vốn dĩ với giáo dục Phần Lan, điểm số không quan trọng, nếu sinh viên không hài lòng với kết quả thi thì còn có 2 cơ hội thi lại. Sinh viên có thể thiếu sót, sửa chữa và tiến bộ, nhưng lừa dối là điều không thể tha thứ vì rõ ràng với giáo viên Phần Lan, dạy đạo đức quan trọng hơn thành tích. Có trường hợp, nhà trường đã gọi cảnh sát đến khi phát hiện gian lận trong kì thi cuối kì.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY TƯ VẤN DU HỌC TOÀN CẦU XANH (BGC)
Địa chỉ: Tầng 1, Tòa nhà Prima – Số 22 Mai Anh Tuấn, Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 0986231268 – 02436412999
Email: duhocblueglobal@gmail.com
Website: https://duhocbgc.com
Fanpage: https://www.facebook.com/DuhocBGC